1
15:49 +07 Thứ hai, 10/06/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 698

Máy chủ tìm kiếm : 2

Khách viếng thăm : 696


Hôm nayHôm nay : 117533

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 811892

Tổng cộngTổng cộng : 29988142

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật tuần 24 Thường niên C

Thứ năm - 12/09/2013 22:23-Đã xem: 1163
Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: 'Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất'. Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Các Thiên Thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải
Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật tuần 24 Thường niên C

Lời Chúa và các bài suy niệm Chúa nhật tuần 24 Thường niên C

CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM C
(Xh 32,7-11.13-14; 1Tm 1,12-17; Lc 15,1-32)

THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG THƯƠNG XÓT, 
NGƯỜI VUI MỪNG TRƯỚC SỰ HOÁN CẢI

“Cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương” (Lc 15,20b)

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi, cùng ngồi ăn uống với chúng". Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: "Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!" Cũng vậy, Tôi bảo các ông: "Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.

"Hay là người đàn bà nào có mười đồng bạc, nếu mất một đồng, mà lại không đốt đèn, quét nhà và tìm kỹ lưỡng cho đến khi tìm thấy sao? Và khi đã tìm thấy, bà mời các chị em bạn và những người láng giềng đến mà rằng: 'Chị em hãy vui mừng với tôi, vì tôi đã tìm được đồng bạc tôi đã mất'. Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Các Thiên Thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải".

{Người lại phán rằng: "Người kia có hai con trai. Đứa em đến thưa cha rằng: 'Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con'. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó muốn hồi tâm lại và tự nhủ: "Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: 'Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha'.

Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: 'Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa'. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: 'Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy'. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

"Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: 'Đó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ'. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: 'Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn, còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó'. "Nhưng người cha bảo: 'Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy'". 
Đó là lời Chúa.

 

1- Bài đọc I (Xh 32,7-11.13-14)

Ngay từ đầu, khi được Thiên Chúa chọn để lãnh đạo dân Israel và đưa họ ra khỏi Ai cập, Môsê đã thấy trước được đây là một trách nhiệm nặng nề và khó khăn. Và thật thế, dân Israel, như Thánh kinh nói, là một dân cứng đầu cứng cổ, hay phàn nàn và nổi loạn. Trong suốt hành trình họ đã liên tục kêu trách Chúa khi khổ cực hay gặp nguy hiểm, và ngay cả khi Thiên Chúa bắt đầu ký kết giao ước với họ, họ vẫn không kiên trì tin tưởng. Như bài đọc I hôm nay kể lại, vì chờ đợi ông Môsê quá lâu, trong khi Thiên Chúa vẫn ẩn mặt, Israel đã mất niềm tin tưởng, họ đã hoảng sợ, nản chí và do đó đã gom góp vàng bạc để đúc một con bò và thờ lạy như Thiên Chúa của mình. Chắc chắn hành động này đã làm cho Thiên Chúa nổi giận và Người muốn trừng phạt dân tộc bất trung này.

Như mọi lần, Môsê vẫn luôn là vị trung gian khẩn cầu cho đoàn dân của mình, dù rằng chính ông cũng đã phải nổi giận với họ. Ông đưa ra bốn lý do để cầu khẩn Thiên Chúa tha thứ cho dân mình nhưng tất cả đều dựa trên tình thương của Người dành cho dân riêng của mình. Vì yêu thương Người đã cứu họ ra khỏi Ai cập, lập giao ước với họ, nhất là Người đã thề hứa từ trước với các tổ phụ là làm cho họ trở thành một dân đông đảo, cư ngụ trên đất nước rộng lớn. Môsê đã xin Chúa thương xót đừng đoán phạt dân Israel, kẻo họ phải tiêu diệt. Thiên Chúa lại một lần nữa tha thứ cho dân Israel, vì Người là Đấng từ bi và nhân hậu, chậm nổi giận và giàu lòng xót thương.
 

2- Bài đọc II (1Tm 1,12-17)

Chính Thánh Phaolô là người đã cảm nghiệm sâu xa lòng thương xót Chúa đối với ngài. Thánh nhân trong thư gửi cho Timôthê đã dâng lời tạ ơn Thiên Chúa về lòng thương xót của Người. Thánh nhân thú nhận mình đã từng ăn nói lộng ngôn, bạo ngược, bắt đạo, nhưng Thiên Chúa vẫn kêu gọi ngài phục vụ cho Tin Mừng. Với những tội lỗi xúc phạm đến Thiên Chúa như vậy, thánh Phaolô cảm thấy mình là người tội lỗi và cần được Thiên Chúa tha thứ và cứu độ trước tiên, Đức Giêsu đã đến thế gian để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Thánh nhân làm chứng và xác tín về điều nay, về lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiên Chúa không loại trừ bất cứ ai, dù là những người tội lỗi. Điều cần thiết là chúng ta đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa và quay về với Người. Cuộc đời thánh Phaolô là chứng tá cho lòng thương xót của Thiên Chúa và cũng là lời mời gọi hoán cải cho mọi người.

3- Bài Tin Mừng (Lc 15,1-32)

Nếu như chúng ta vẫn thường nghe nói Tin Mừng theo Thánh Luca là Tin Mừng của tình yêu và lòng thương xót, thì chương 15 chính là trung tâm của Tin Mừng của lòng thương xót này. Chương 15 còn có thể gọi là chương của “những niềm vui tìm được”. Trong chương này, tác giả dùng những hình ảnh khác nhau trong ba dụ ngôn để nói về “niềm vui tìm lại được”: tìm lại con chiên thất lạc, tìm thấy đồng tiền đánh mất và tìm được đứa con tưởng đã chết mà nay vẫn sống. Tác giả đã dùng những hình ảnh ám dụ này để diễn tả tình thương và niềm vui của Thiên Chúa khi người tội lỗi ăn năn hối cải. Niềm vui dường như hơi bất thường so với thực tế khi người chủ để lại 99 con chiên để đi tìm con chiên lạc, hay vất vả đi tìm đồng tiền đánh mất, để khi tìm được thì hân hoan và mời xóm làng chung vui. Chỉ khi đọc câu cuối của mỗi dụ ngôn chúng ta sẽ hiểu tại sao lại có niềm vui này. Con chiên lạc hay đồng tiền đánh mất là hình ảnh của người tội lỗi, và việc tìm lại được là hình ảnh của sự hoán cải của những con người này.

Đọc lại Tin Mừng thánh Luca, chúng ta sẽ thấy là trước 3 dụ ngôn “tìm lại được” này, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn về tiệc cưới với những khách được mời dự tiệc xin kiếu không đến dự. Những người khách này là dân Israel, là các người đã chu toàn các lề luật Chúa, là những người nghĩ là mình chắc chắn sẽ được vào Nước Trời và không cần nỗ lực nào cả. Ba dụ ngôn trong chương 15 có thể được đọc và hiểu trong sự liên kết với dụ ngôn bữa tiệc. Những người không nằm trong danh sách khách mời, những người gặp thấy trên đường chính là những người mà người ta nghĩ là không xứng đáng; có thể nói họ chính là những người thu thuế và tội lỗi trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Nhưng cuối cùng, họ đã được mời và họ chứng minh là mình xứng đáng hơn cả những người được mời trước đó, vì họ đã mau mắn đáp lời mời gọi, vì họ đã hoán cải. Những người xem ra không xứng đáng thì lại là những người đón nhận lời mời, chấp nhận trở nên môn đệ Chúa bằng cách nghe những lời giảng dạy của Người. Tin Mừng không nói rõ những người thu thuế hay tội lỗi này đã trở nên tốt hay chưa, nhưng qua việc lui tới nghe Chúa Giêsu giảng, chúng ta nhận thấy họ đã có sự bắt đầu chấp nhận nên môn đệ của Người. Điều này rõ ràng hơn qua ba dụ ngôn trong bài Tin Mừng hôm nay. Những người thu thuế hay những kẻ tội lỗi giống như những con chiên lạc, hay những đồng tiền đánh mất đó. Họ đã mất nhưng Thiên Chúa đã tìm lại được họ.

Thánh sử Luca nói cho chúng ta biết ba dụ ngôn Chúa Giêsu đưa ra là để trả lời cho những lời xầm xì của những Pharisiêu và kinh sư khi họ nhìn thấy những người tội lỗi lui tới với Chúa Giêsu. Họ chê bai Người là giao tiếp với những phường tội lỗi, những người mà chắc chắn các kinh sư và Pharisiêu khinh bỉ và tránh xa. Họ xem Chúa Giêsu là Người đã phớt lờ những ranh giới xã hội khi Người tiếp đón những người thu thuế và tội lỗi như những anh em của Người. Nhưng Thiên Chúa thật sự vui mừng khi đón nhận những tâm hồn hoán cải trở về với Người.

Hai dụ ngôn về con chiên lạc và đồng tiền bị mất cho thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi người, cho dù chỉ là một con người tội lỗi, bị loại bỏ bên lề xã hội, hay là một người thân phận yếu đuối. Đối với Người tất cả đều có ý nghĩa và cần được cứu độ, và thực tế Ngươi đã đón tiếp họ. Dụ ngôn người con hoang đàng càng cho thấy tình yêu khoan hồng và lòng xót thương của Người. Dù tội lỗi của người con đã làm cho trái tim cha già tan nát, hành động của người con đã xúc phạm đến tình yêu cao vời của cha mình, nhưng Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, luôn sẵn lòng tha thứ cho những người biết ăn năn hối cải. Niềm hân hoan của người cha già nhìn thấy con trở về là hình ảnh Thiên Chúa luôn chờ mong người tội lỗi hoán cải và sẵn sàng đón họ trong vòng tay của Người, khôi phục lại cho họ địa vị con Thiên Chúa.

II. GỢI Ý MỤC VỤ

1. Thiên Chúa nhân lành không bỏ rơi chúng ta dù ta tội lỗi xấu xa, Người vẫn chờ đợi chúng ta ăn năn hoán cải. Chúng ta hãy tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa, để đừng thất vọng khi phạm tội, nhưng luôn dám thoát ra khỏi tội lỗi, hoán cải và biến đổi cuộc đời mình.

2. Thánh Phaolô là gương mẫu cho chúng ta về việc hoán cải và để cho Thiên Chúa dùng mình như khí cụ hữu ích. Nếu chúng ta có sa ngã, chúng ta cần tin cậy vào Chúa, không để cho những mặc cảm tội lỗi chôn vùi mình, tách mình ra khỏi xã hội. Chúng ta hãy biết cộng tác với mọi người để làm những việc thiện điều tốt trong khả năng của mình.

3. Chúng ta phải tránh thái độ của những người Pharisêu hay kinh sư trong bài Tin Mừng hôm nay. Chúng ta ai cũng là người tội lỗi cần được Thiên Chúa thương xót, và chính chúng ta cũng phải thương xót các anh em xem ra bị xa lánh vì những lỗi phạm công khai. Chúng ta cần chia sẻ nâng đỡ để cho họ cảm thấy được yêu thương và có thể hoán cải, thay đổi đời sống.

III. LỜI NGUYỆN CHUNG

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng thương xót, luôn chờ đợi và sẵn sàng tha thứ cho người tội lỗi biết thật lòng ăn năn trở về. Tin tưởng vào tình thương tha thứ của Chúa, chúng ta cùng tha thiết cầu nguyện.

1. “Các Thiên Thần của Thiên Chúa sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn tích cực trở nên dấu chỉ hy vọng và tình thương tha thứ của Thiên Chúa cho con người thời đại hôm nay.

2. Con người thời đại đang chạy theo đam mê dục vọng mà chối bỏ Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu nguyện cho những người tội lỗi lầm lạc được ơn nhận biết Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, hằng ban ơn lành cho tất cả những ai tin cậy vào Người.

3. “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi kitô hữu luôn biết thường xuyên xét mình, thành tâm sám hối, và siêng năng đến với Chúa qua những cử hành bí tích để được ân sủng của Chúa tái sinh và biến đổi.

4. “Chúng ta phải ăn mừng, vì em con đã chết nay sống lại.” Chúng ta cùng cầu nguyện cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta, luôn đoàn kết yêu thương nhau, biết cảm thông chia sẻ với mọi người, và sẵn sàng đóng góp cho những chương trình công ích.

Chủ tế: Lạy Chúa là Cha giàu lòng thương xót, Chúa muốn chúng con theo gương Chúa biết tha thứ và yêu thương hết mọi người; xin nghe lời chúng con cầu nguyện mà chúc lành cho những ước nguyện của chúng con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

 

Nụ hôn nồng nàn tình thương xót

Hôm qua có dịp ra phố ghé ngang một sáp báo, tôi tình cờ nghe từ quán cà phê đối diện vẳng ra một giọng hát trong trẻo: “Cao cao bên cửa sổ có hai người hôn nhau”. Bài hát đã nghe dăm lần bảy lượt qua các phương tiện truyền thông, có chăng chỉ là một cảm nhận về mùa xuân hạnh phúc, thế mà chiều nay bỗng thấy nôn nao khác lạ. Đó không phải là thứ nôn nao của kẻ độc thân bất chợt thấy mùa xuân bên cửa sổ, rồi tự nhiên tủi về phận mình như Michel Quoist đã ghi trong cuốn sách của ông; cũng chẳng phải thứ nôn nao của những kẻ trên đường phố đang hối hả về nhà dịp nghỉ cuối tuần. Thứ nôn nao rất lạ mà cũng rất đỗi thân quen.

Đang còn vẩn vơ với cái nôn nao ấy thì cô chủ sạp đã trao cho tôi tờ báo và vui miệng cô hát theo: “Thành phố ơi hãy im lặng cho hai người hôn nhau”.

Tới lúc này, tôi mới vỡ lẽ. Thì ra mình nôn nao là vì cái nụ hôn. Không phải của “anh lính về thăm phố với cô gái vào ca ba” như bài hát kể, mà là cái nụ hôn của một người cha dành cho đứa con hoang đàng trở về của bài Phúc Âm. Giai điệu ấy, nụ hôn ấy quyện lấy nhau và tự nhiêm ngấm vào người tôi trở thành một thứ nôn nao, để hôm nay, xin được trang trải với cộng đoàn như suy nghĩ về trang Tin Mừng. Đó là nụ hôn của lòng thương xót.

1. Nụ hôn ấy vượt trên lý lẽ của sự công bình.
Nếu để ý, người ta thấy nếp nghĩ của những người con trong dụ ngôn Tin Mừng là nếp nghĩ vượt trên lẽ công bình. Làm sao người con thứ dám xin cha mình chia gia tài mà anh gọi là “thuộc về anh” trong khi cha mình sờ sờ còn sống? Làm sao người con cả lại vùng vằng làm mày làm mặt với cha khi cả đời hầu hạ mà chẳng có lương? Sẽ là hỗn nếu dựa trên cái tình, nhưng cũng có thể quan niệm được nếu dựa vào cái lý. Chính nhân danh sự công bình đương nhiên nào đó mà tư cách của hai người con trong dụ ngôn đã được hình thành.

Nhất là việc người con thứ trở về. Sau những ngày phung phá đến bước đường cùng, đến độ khánh kiệt gia tài, cạn kiệt sức khỏe, anh vẫn còn đủ tỉnh táo để hạch toán nẻo lối tìm về. Bởi vì dựa trên công bình, anh đã đốt cháy quyền làm con nên không thể được gọi là con nữa. Bởi vì dựa trên công bình, anh đã tự ý bỏ nhà ra đi ôm theo sản nghiệp nên muốn tìm về phải được cha chấp nhận. Bởi vì dựa trên công bình, anh chỉ dám coi mình như “người cần việc” tìm đến “việc cần người”. Nếu anh có gặp cảnh then cài khóa ổ xua đuổi chối từ có lẽ anh cũng phải công bình mà chấp nhận.

Lẽ công bình khó khăn là như thế nhưng nụ hôn của người cha đã hóa giải tất cả. Nó vượt  qua giới hạn của lẽ công bình để rạng rỡ là một nụ hôn của lòng thương xót. Người cha tha thứ hết. Không khóa trái đời sống người con thứ vào quá khứ tội lỗi, không niêm phong nhịp đời của anh vào bước đường phóng đãng, nhưng phục hồi quyền làm con như thuở ban đầu. Người ta không biết ở đâu lẽ công bình dừng lại và ở đâu lòng thương xót khởi đầu, nhưng chỉ biết rằng, bằng nụ hôn ấy sự tha thứ đã vượt lên chiếm lĩnh tiếng nói của lẽ công bình để trở nên nụ hôn của lòng thương xót.

2. Nụ hôn ấy vượt trên khuôn khổ của nền giáo dục.
Vẫn biết rằng khuôn khổ của tình yêu là một tình yêu không theo một khuôn khổ nào, nhất là tình ấy lại là tình cha, lại là lòng mẹ, cùng lắm chỉ dám ví von như núi cao biển rộng, tựa lai láng của dòng sông và mênh mông của đồng lúa. Nhưng trong trọng trách giáo dục, người ta cũng phải mặc nhiên chấp nhận một thứ khuôn khổ nào đó. Chả thế mà ca dao Việt Nam bảo: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Yêu con không phải là nuông chiều theo ý của con, nhưng là biết cách cho con roi giọt giáo hóa, và ghét con đâu phải chỉ là hằn học mắng la mà nhiều khi lại là những ngọt ngào ghẻ lạnh của một tình thương vắng bóng.

Một trong những châm ngôn nổi tiếng trong bổn phận giáo dục con cái là câu: “Nếu hôm nay không muốn con khóc vì được dạy dỗ, thì coi chừng sẽ phải khóc vì con hư đốn mai ngày”. Như trường hợp nóng hổi thời sự tại phiên tòa, khi người cha nghe con mình, một thành viên trong băng cướp “quý tử”, bị kết án chung thân đã nhỏ lệ thốt lên: “Tôi đã thiếu trách nhiệm làm cha”. Cũng là tình phụ tử, nhưng quá muộn màng.

Tình phụ tử cũng cần theo một khuôn khổ nào đó. Nhưng tình phụ tử trong dụ ngôn đã vượt lên tất cả. Không có một lời trách móc, không có một lời răn đe, cũng chẳng có hình phạt để mà nhớ đời. Chỉ có nụ hôn như một minh chứng: Với bản lĩnh của lòng thương xót, người ta vẫn có thể đi xa hơn để yêu con đích thực bằng cách cho ngọt cho ngào.

3. Nụ hôn ấy không dừng lại nơi cá nhân mà còn lây lan đến cả cộng đoàn.
Đây chính là đỉnh cao của trang Tin Mừng. Nó mở ra một nhãn giới mới lạ. Nơi nụ hôn ấy là rạng rỡ lên hình ảnh của một Người Cha: chung cho người con cả và người con thứ, chung hco dân Do Thái và Dân Ngoại, chung cho cả người đã biết Chúa hay chưa biết Chúa. Nếu “cha chung không ai khóc” theo lẽ thường tình, thì ở đây lại khác, Cha chung này không cần đến tiếng khóc của ai, nhưng lại sẵn sàng cúi xuống với bất cứ tiếng khóc sám hối nào để ban tặng nụ hôn ntha thứ nồng nàn xót thương. Người Cha chung ấy yêu thương hết mọi người và chẳng bao giờ bỏ quên những trường hợp tội lỗi đáng thưong và bởi đáng thương nên Ngài cũng thương cho đáng với tấm lòng không vơi cạn của mình.

Qua nụ hôn đầu ngõ, Người Cha ấy biến nỗi buồn sám hối trở thành niềm vui tha thứ. Ngài ban ơn rộng rãi cho những kẻ tìm về với Ngài, rồi nhanh chóng gửi họ về lại gia đình cộng đoàn xã hội trong một nhịp sống mới nồng nàn tình xót thương, để những kẻ được ơn tha thứ hiểu rằng, từ nụ hôn ấy, họ phải minh chứng bằng cả cuộc đời biết phát triển ơn tha thứ và cũng biết dìu đưa những kẻ còn sa chìm về với lẽ xót thương. Đó là niềm vui của lòng thương xót, không dừng lại nhưng triển nở sinh sôi, không khép kín cá nhân nhưng mở ra cho hết mọi người.

Tóm lại, ba lý do: vượt trên lẽ công bình, vượt trên nền giáo dục và vượt trên đời sống cá nhân khiến nụ hôn cha – con là nụ hôn của lòng thương xót. Dẫu có kinh nghiệm về nụ hôn như phần lớn cộng đoàn hay chưa có kinh nghiệm ấy như một số bạn nhỏ, thiết tưởng nụ hôn xót thương của Tin Mừng cũng đọng lại trong ta một thứ nôn nao lạ lạ quen quen.

Khi thấy quen quen, là khi ta đồng hóa mình với người con phung phá tìm về và được tha thứ, trong lời kinh, trong Thánh Lễ, nơi tòa Giải Tội. tất cả đều là những nụ hôn thương xót. Khi thấy là lạ, là khi ta chợt nhận ra vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong ta một anh con cả vùng vằng: Chúa đã đối xử với ta bằng tình thương xót còn ta chỉ đối xử với Chúa theo sự công bình, ta không đi hoang lang thang xa đạo, nhưng cách sống của ta biết đâu còn tệ hơn cả chối Chúa công khai.

Và khi thấy chen lẫn quen quen lạ lạ ấy chính là khởi đầu cho một quyết định: bởi tôi đã nhận được ơn tha thứ của Chúa, tới phiên tôi phải sống ơn tha thứ bằng cách bỏ qua lỗi lầm cho anh em; tôi đã nhận lòng xót thương của Chúa, tôi phải phát triển lòng thương xót ấy qua cách sống tốt lành của mình. Hãy quên đi những phần đời không đáng nhớ khi anh em có lỗi với mình, và hãy nhớ lấy những phần đời không thể quên khi mình đã được Thiên Chúa tha thứ xót thương.

Làm được như thế cũng là lúc ta có thể hát lên: “Thành phố ơi, hãy im lặng cho mọi người hôn nhau”

 
 
THIÊN CHÚA GIÀU LÒNG THƯƠNG XÓT

 
Bài Phúc Âm vừa nghe là một trong những trang đẹp nhất của Tin Mừng. Có thể gọi đó là Tin Mừng của Tin Mừng. Vì chương 15 Phúc Âm Luca này được coi như bản tóm tắt tất cả Phúc Âm. Tin Mừng đó là Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót. Lòng thương xót của Thiên Chúa thực vô biên, dài, rộng, cao, sâu khôn lường, ta không thể nào hiểu thấu. Những bài sách thánh hôm nay hé mở cho ta mấy nét của lòng thương xót vô biên đó.

1. Nét thứ nhất của lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa là: sự tha thứ
Tình yêu đích thực không được đo bằng đam mê nồng cháy. Bởi những đam mê nồng cháy mau qua như một cơn bão lốc. Bão lốc qua đi chỉ để lại đổ vỡ điêu tàn.

Tình yêu đích thực không được đo bằng hy sinh tận cùng. Người ta có thể hy sinh mạng sống vì của cải, danh vọng. Hy sinh như thế có thể chỉ vì bản thân mình chứ không phải vì người khác.

Tình yêu đích thực được đo bằng sự tha thứ. Chỉ có yêu thực lòng, yêu tha thiết mới có thể tha thứ. Khi yêu người ta dám cho đi tất cả. Nhưng ít có ai cho đi sự tha thứ. Chính tha thứ mở cho ta cánh cửa dẫn vào thâm cung nhiệm mầu của tình yêu.

Tha thứ là đặc tính của tình yêu Thiên Chúa. ta hãy đọc lại lịch sử dân Israel. Biết bao lần dân chúng phản bội, chống lại Thiên Chúa. Nhưng Chúa vẫn nhân từ tha thứ. Khi Môsê cầu nguyện trên núi, dân Do Thái đã phản bội, gom góp vàng bạc đúc tượng bò mà thờ. Chúa nổi giận muốn phạt họ. Nhưng khi Môsê nài xin Chúa, Chúa đã nguôi giận mà tha thứ cho dân.

Phaolô ghét đạo Chúa, đi tìm bắt những người theo Chúa. Nhưng Chúa đã thương hoán cải ông. Hơn nữa, Chúa còn chọn ông làm Tông đồ cho Chúa.

Người con bỏ nhà ra đi, phung phí hết tiền của cha, nhưng người cha già vẫn yêu thương chờ đời, tha thứ hết khi nó trở về.
Sự tha thứ của Thiên Chúa đối với con người, nhất là người tội lỗi thực là vô biên. Sự tha thứ ây minh chứng tình yêu của Thiên Chúa đối với con người lớn lao biết chừng nào.

2. Nét thứ hai của lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Đó là: sự đi tìm.
Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ, nhưng Người không chỉ ngồi đó chờ kẻ có tội trở về xin lỗi rồi mới thứ tha. Không, chính Thiên Chúa chủ động, có sáng kiến đi tìm con người. Đó là nét độc đáo trong tình yêu thương tha thứ của Thiên Chúa.

Chính Chúa đi tìm Phaolô khi ông đang trên đường lầm lạc, có sáng kiến làm ông té ngựa để đưa ông trở lại với Chúa. Chính Chúa là người chăn chiên đi tìm con chiên bị lạc. Là người ra ngõ tìm đứa con bỏ nhà đi hoang. Cuộc đi tìm không phải dễ dàng. Người chăn chiên phải băng đồi vượt sông, luồn lách qua gai góc, dẫm đạp sỏi đá, chịu đựng nắng mưa, bất chấp thú dữ rình rập. Người phụ nữ phải thắp đèn soi vào mọi ngóc ngách trong nhà, lùa chổi vào những khe nứt nhỏ bé, kiên nhẫn moi móc tìm kiếm niềm hy vọng mong manh. Người cha phải vượt qua những thành kiến xã hội, lòng tự ái bị thương tổn, trái tim đau đớn vì yêu thương.

Đi tìm là yêu thương. Còn hơn thế, đi tìm là đã tha thứ. Quả thật Chúa đã yêu thương ta trước. Người yêu thương ta trước khi ta biết Người. Người tha thứ cho ta trước khi ta xin lỗi. Người đi tìm ta trước khi ta trở về.

3. Nét thứ ba của lòn thương xót vô biên của Thiên Chúa. Đó là: Thiên Chúa yêu thương từng người, dù rất bé nhỏ.
Trong đời sống xã hội, những người bé nhỏ nghèo hèn thường bị bỏ quên: sống cô đơn, chết cô độc, chìm vào quên lãng. Nhưng trong trái tim Thiên Chúa, mỗi người đều chiếm một vị trí quan trọng. Mỗi người đều là duy nhất độc đáo, không thể thay thế được đối với Thiên Chúa. Càng bé nhỏ nghèo hèn lại càng chiếm vị trí quan trọng trong tình yêu Thiên Chúa.

Một con chiên lạc có gì so với 99 con chiên còn lại. Giữ 99 con còn lại vừ nhàn nhã lại vừa có lợi. Đi tìm một con đi lạc vừa mệt nhọc lại vừa thiệt thòi. Nhưng trong tình yêu làm gì có tình toán thiệt hơn. Một con chiên nhỏ bé lạc loài đã chiếm hết trái tim của người mục tử nhân từ. Bao lâu chưa tìm được con chiên nhỏ bé gầy gò, lạc bầy ấy, lòng người mục tử ấy vẫn còn khắc khoải lo âu.

Đứa con bỏ nhà ra đi, xài phí hết gia sản cha mẹ làm sao sánh được với đứa con trai ngoan ngoãn ở nhà, biết chăm lo công việc, luôn hiếu thảo phụng dưỡng mẹ cha. Ấy vậy mà người cha ăn không ngon, ngủ không yên, tắt tiếng cười, mắt mờ lệ, bao lâu đứa con hư hỏng chưa trở về.

Thật kỳ diệu tình thương của Thiên Chúa. chính vì những tâm hồn bé nhỏ, tội lỗi, yếu đuối ấy mà Thiên Chúa đã sai Con Một Người xuống trần gian như lời Chúa Giêsu nói: “Những người bệnh mới cần đến thầy thuốc”.

Thực là vô biên lòng thương xót của Thiên Chúa. lòng thương xót ấy lớn hơn cả trái tim của ta. Ơn lành của Thiên Chúa lớn hơn cả tội lỗi của ta. Sự tha thứ của Thiên Chúa lớn hơn cả trí tưởng tượng của ta. Tất cả chúng ta hãy đến với Người. Hãy mang theo những yếu đuối lầm lỡ của ta. Hãy cho Người xem vết thương từ lâu gặm nhấm trái tim ta. Hãy tâm sự nỗi buồn vô vọng của ta. Thiên Chúa Cha chúng ta Đấng giaù lòng thương xót. Không có tội lỗi nào Người không tha thứ,không có vết thương nào Người không chữa lành. Không có nỗi buồn nào Người không an ủi.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1. Kể ra vài nét của lòng thương xót của Chúa.
2. Tại sao tha thứ là dấu chỉ rõ nhất của tình yêu?
3. Cảm nhận được tình yêu và đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. bạn có coi điều này là hệ trọng nhất trong đời không?

 

Phục hồi phẩm chất cao đẹp

Chỉ có tội lỗi là nguyên nhân duy nhất tàn phá phẩm chất cao đẹp của con người.
Cho dù lũ lụt có thể cuốn trôi tất cả nhà cửa ruộng vườn, biến người ta thành người tay trắng, nhưng không thể cuốn trôi phẩm giá người ta.
Cho dù hoả hoạn có thiêu rụi nhiều phố xá làng mạc, cướp đi tất cả tài sản của người dân, nhưng cũng không thể thiêu rụi phẩm giá con người.
Dù tai ương hoạn nạn có cướp đi một vài chi thể của con người, khiến người ta trở nên tàn phế, nhưng cũng không thể cướp đi phẩm chất cao đẹp của người ấy.

Không gì từ bên ngoài có thể làm mất phẩm chất, mất giá trị con người, nhưng chỉ có tội lỗi và chỉ có tội lỗi mà thôi mới có thể huỷ diệt phẩm giá cao đẹp của họ. Chính Chúa Giêsu cũng khẳng định điều nầy: "Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế." (Mc 7, 21-23).

Câu chuyện người con thứ trong Tin Mừng hôm nay minh hoạ cho thấy tội lỗi làm băng hoại phẩm giá con người đến mức nào.
Sau khi đòi chia gia tài và phung phí tài sản của mình với bọn đàng điếm, người con thứ lâm vào cảnh đói khát cùng cực và phải xin làm nghề chăn heo là nghề ô nhục nhất đối với người Do Thái.

Không có hình ảnh nào diễn tả tình trạng xuống cấp và suy đồi phẩm giá cho bằng hình ảnh một con người đói rách thảm hại, chen chúc với đàn heo bẩn thỉu hầu mong được ăn thực phẩm của heo nhưng chẳng ai cho.

Chính tội lỗi và chỉ có tội lỗi mà thôi mới có thể làm cho giá trị con người bị suy sụp cách thảm hại như thế.
Nhưng cũng qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta một chân trời hy vọng: những con người bị tội lỗi làm mất giá trị có thể được phục hồi nhân phẩm cách tuyệt vời.

Phục hồi lại phẩm chất cao đẹp của mình nhờ quay về với Chúa.
Một người giàu có bị phá sản, còn rất lâu mới có cơ may xây dựng cơ đồ, phục hồi sự nghiệp.
Một người bị mất chức, mất việc... khó lòng kiếm lại được chức, được việc ngon lành như trước.
Nhưng thật vô cùng may mắn và hạnh phúc cho chúng ta là những người tội lỗi, một khi lỡ sa ngã phạm tội, đánh mất hết phẩm chất cao đẹp của mình... thì chỉ cần cố gắng, kiên quyết hoán cải là có thể phục hồi lại được phẩm chất cao đẹp như trước.

Sau khi người con thứ lâm vào tình trạng đói khát, anh ta hồi tâm lại và quyết chí trở về nhà cha, để xin làm một người tôi tớ.
Khi thấy con từ đằng xa, người cha mừng rỡ chạy lại ôm lấy đứa con hoang và hôn nó hồi lâu.

Không để cho đứa con hư nói hết lời hối lỗi, ông truyền sai tôi tớ mau mau đem áo đẹp nhất ra mặc cho cậu, xỏ nhẫn quý vào tay cậu, mang giày sang quý vào chân cậu và hãy hạ bò tơ để ăn mừng...

Thế là từ một con người thân tàn ma dại, một thằng chăn heo hèn hạ đói khát, người con hoang đàng đã trở thành chàng công tử thượng lưu với bao nhiêu tôi tớ hầu hạ. Thay vì tấm áo rách hôi hám, cậu được mặc vào người tấm áo đẹp nhất. Thay vì đi chân đất bần cùng, cậu được mang giày dép sang trọng, được đeo nhẫn quý vào tay như những người quyền quý. Thay vì trước đây khao khát được ăn chung máng với đàn heo, ăn giữa đàn heo, cậu được ngồi ăn với cha, với họ hàng, với những bậc tai mắt trong làng xóm, có kẻ hầu người hạ. Thay vì những đồ cặn bã của heo, nay cậu được ăn thịt bê đã vỗ béo ngon lành. Thật khác ngày hôm qua một trời một vực. Thật là một sự thay đổi tuyệt vời, nằm mơ không thấy.

Chỗi dậy trở về cùng Chúa là từ bỏ tội lỗi và tính hư tật xấu, là kết hợp với Đức Kitô để trở nên con người mới, thụ tạo mới như lời thánh Phao lô dạy trong thư gửi tín hữu Cô-rinh- tô: "Phàm ai kết hợp với Đức Kitô, đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua đi, và cái mới đã có đây rồi." (2C 5,17).

Cơ hội trở về luôn luôn sẵn có. Lời Chúa và Hội Thánh vẫn liên tục kêu mời. Điều còn lại hoàn toàn tuỳ thuộc ở nơi ta. Điều quan trọng là chúng ta có quyết tâm làm lại cuộc đời, sửa đổi và nâng cấp đời sống mình hay không.

 

 Lòng Chúa xót thương

Có ai đó đã nói rằng: "con tim có lý lẽ của con tim". Hành động của con tim không đo lường bằng toán học, không kiểm chứng bằng khoa học. Hành động của con tim chỉ có thể hiểu được bằng tình yêu. Thế nên, chỉ có những ai ở trong tình yêu mới có thể hiểu được những việc làm xem ra thiếu tính toán của tình yêu. Đó cũng là cách hành xử mà Chúa Giêsu đã nói đến qua dụ ngôn con chiên lạc và đồng tiền đánh mất. Cả hai dụ ngôn đều nói lên một tình yêu vượt lên trên mọi tính toán vụ lợi. Vì không ai dại gì bỏ lại 99 con chiên trong rừng vắng để đi tìm con chiên lạc. Và cũng không có ai dại gì bỏ hàng vạn đồng để chiêu đãi bà con lối xóm khi tìm lại 1 đồng bạc bị đánh mất. Thiên Chúa không tính toán thiệt hơn.Thiên Chúa luôn hành động vì yêu thương. Chính tình yêu đã thúc bách Ngài phải lên đường ngay để tìm con chiên lạc. Chính trong sự nhẫn nại của tình yêu đã làm cho Ngài tràn ngập niềm vui sướng khi tìm được đồng tiền đã mất.

Con chiên và đồng tiền đánh mất tựa như cuộc đời của mỗi người chúng ta. Vì chạy theo danh vọng. Vì chạy theo những đam mê trần gian đã làm cho nhiều người lầm đường, lạc lối và đánh mất phẩm giá cao qúy của mình là hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa không bỏ rơi con người. Thiên Chúa dùng muôn nghìn cách để tìm lại chúng ta. Ngài sẽ làm tất cả để chuộc lại con người chúng ta. Đó cũng là cách mà Thiên Chúa đã thực hiện trong suốt dọc dài của lịch sử ơn cứu độ. Loài người luôn bất trung, bội tín, bội thề. Thiên Chúa thì luôn tín trung. Tình yêu của Ngài dành cho con người mãi mãi vẫn là một. Ngài không bao giờ thay đổi. Ngài có giận, giận trong giây lát nhưng yêu thương, yêu thương ngàn đời.

Tình yêu của Ngài hôm nay vẫn thế. Ngài vẫn đeo đuổi cuộc đời mỗi người chúng ta. Ngài sẽ đau khổ nếu chúng ta lạc xa tình Chúa. Ngài sẽ buồn nhiều nếu chỉ vì tiền tài và lạc thú mà chúng ta đánh mất phẩm giá làm người của mình. Phẩm giá con người lớn hơn những giá trị vật chất. Ngài không đang tâm đứng nhìn con người tự hạ thấp phẩm giá của mình để đổi lấy đồng tiền và lạc thú. Ngài càng không làm ngơ và bỏ mặc con người cho ma qủy lôi kéo vào hố diệt vong. Ngài sẽ làm muôn ngàn cách để đưa con người trở về nẻo chính đường ngay. Điều đó, Ngài đã thể hiện nơi cuộc đời của vua Đavít. Đavít là một con người được Chúa yêu thương nhưng lại vì đam mê lạc thú đã lỗi luật Chúa. Ông đã phạm tội ngoại tình với Batseva, là vợ của tướng Uria. Ông còn đang tâm đẩy Uria vào chỗ chết để chiếm lấy nàng Batseva. Thế nhưng, tình yêu Chúa còn lớn hơn tội của Đavít, Ngài đã không giáng phạt theo như tội Đavít đã làm. Ngài đã cho Đavít cơ hội làm lại cuộc đời. Qua tiên tri Nathan, Thiên Chúa đã thức tỉnh Đavít nhận ra lỗi lầm mà ăn năn trở về. Đavít đã sám hối ăn năn. Đavít đã cảm nhận tình thương Chúa dành cho ông quá to lớn đến nỗi mà ông phải thốt lên: "Nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được". Chúa đã không chấp tội Đavít mà "lòng nhân từ của Chúa còn theo đuổi Đavít suốt cuộc đời".

Vâng, lòng nhân từ của Thiên Chúa vẫn ở trong cuộc đời chúng ta. Lòng nhân từ của Thiên Chúa ví tựa như tấm lòng người mẹ, luôn yêu con bằng trái tim chứ không bằng trí óc. Và cũng chỉ có tình thương trời bể của người mẹ mới cho chúng ta hiểu nổi tình thương vô biên của Thiên Chúa dành cho chúng ta, nhất là đối với kẻ tội lỗi, người nghèo khó bé mọn. Vì "Có người mẹ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Nhưng cho dù người mẹ có quên con đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ".

Dù có những người mẹ độc ác bỏ con mình, Chúa không bao giờ bỏ chúng ta. Người còn ban ơn chăm sóc chúng ta hằng ngày: "Các ngươi sẽ được nuôi bằng sữa mẹ, được bồng ẵm bên hông, nâng niu trên đầu gối. Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy".

Chúng ta thường nghe hát: "Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình". Còn lòng Chúa thương chúng ta thì không gì sánh được. Tình mẹ đã khó mà đền đáp cho đủ, còn tình Chúa thì sao? Liệu rằng chúng ta sẽ làm gì để đền đáp ơn Ngài cho cân xứng?

Ước gì mỗi người chúng ta cũng nhận ra lòng Chúa xót thương để ăn năn sám hối trở về với Chúa, và cũng biết sống tình yêu đó cho anh em. Amen.

 

 Suy niệm của ĐHY Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng

Bài Phúc Âm hôm nay thuật lại ba dụ ngôn: - người chăn chiên đi tìm con chiên lạc. – Người đàn bà tìm đồng tiền mất. – Và người cha nhân hậu đón nhận đứa con phung phá trở về. Ba dụ ngôn đó nội dung khác nhau nhưng đều quy về một đề tài là: lòng thương xót bao la của Thiên Chúa đối với con người có tội.
Ta có thể nói, toàn bộ Thánh Kinh, Cựu ước cũng như Tân Ước chứng minh rằng: Thiên Chúa hằng đi tìm và kêu gọi kẻ có tội, Thiên Chúa nhẫn nại chờ đợi họ quay về và vui mừng đón nhận khi họ quay trở lại.

Trước hết Thiên Chúa đi tìm và kêu gọi kẻ có tội.
Tất cả lịch sử cứu độ, Cựu ước cũng như Tân ước cho ta thấy: Thiên Chúa hằng làm mọi cách để đưa con người tội lỗi trở về, bằng sự ngăm đe, bằng lời hứa hẹn, bằng tiếng kêu gọi, bằng những cử chỉ ưu ái, những phép lạ vĩ đại, những hình phạt nặng nề, những lần xuất hiện uy linh, bằng sai các vị tiên tri khuyến cáo, và sau cùng bằng sai chính Con Ngài xuống trần gian chịu chết trên thập giá để cứu chuộc kẻ có tội.

Trong vườn địa đàng, Thiên Chúa đã đích thân đi tìm con người lẩn trốn và Ngài đã lên tiếng kêu gọi: “Ngươi ở đâu?”. Đây là tiếng gọi đầu tiên trong muôn vàn tiếng gọi. Về sau Thiên Chúa thôi thúc con người, kêu gọi trong oán trách như một người tình bị phụ bạc, kêu gọi trong đau buồn như người mẹ xót thương con. Những lời kêu gọi đó được nhắc đi nhắc lại nhiều lần qua miệng các tiên tri. Thí dụ, qua tiên tri Ô-zê Chúa phán như sau: “Khi Israel còn niên thiếu, Ta đã yêu thương chúng, và từ nước Ai-cập Ta đã gọi con Ta về. Nhưng khi kẻ khác gọi chúng, chúng liền bỏ Ta. Chúng đã đốt lễ vật dâng kính các thần tượng. Dù thế, chính Ta đã tập cho chúng bước đi, Ta đã bồng bế chúng trên cánh tay Ta, nhưng chúng nào biết rằng mình được chăm sóc. Chúng đã từ chối không trở lại cùng Ta. Vì thế, lưỡi gươm sẽ vung lên trong thành của chúng và tiêu diệt đồn luỹ của chúng”.

Lời Thiên Chúa kêu gọi con người tội lỗi ăn năn trở về, lời kêu gọi đó luôn được nhắc đi nhắc lại trong Cựu ước và đã tiếp tục vang lên một cách mạnh mẽ trong Tân ước qua những lời giảng dạy, qua cuộc đời của Đức Giêsu nhất là qua cái chết của Người trên thập giá.

Trong những năm giảng Đạo, Chúa không quản ngại hy sinh thời giờ sức lực và cả danh dự để đi tìm kẻ có tội, gần gũi họ, ngồi ăn đồng bàn với họ, tha thứ và cứu giúp họ, thái độ đó đã làm cho người Biệt phái bất bình, phản đối. Họ gọi Chúa là bạn bè với những người thu thuế và tội lỗi. Nhưng Chúa cương quyết trả lời: không phải những người khoẻ mạnh cần đến thầy thuốc nhưng là những người đau yếu. Ta đến không để kêu gọi người công chính, mà kêu gọi người tội lỗi. Con Người đến tìm và cứu vớt những gì đã hư mất.

Không những Thiên Chúa đi tìm và kêu gọi người có tội trở về mà Ngài còn chờ đợi một cách kiên nhẫn không biết mệt mỏi như người cha hằng ngày ra đứng cửa trông đợi đứa con phung phá trở về. Thánh Augustinô nói: Biết bao kẻ mê ngủ trong tội lỗi nhiều tháng nhiều năm. Họ còn khoe khoang về những tội ác của họ, thế mà Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Thánh nhân tiếp: “Lạy Chúa, chúng con khiêu khích cơn thịnh nộ Chúa, còn Chúa thì lại đưa chúng con tới lòng thương xót của Người”.

Trong cuộc đời, có khi chúng ta thắc mắc vì thấy người nọ người kia quá gian ác mà Thiên Chúa không phạt nó chết đi, để nó làm khổ người khác, làm khổ những người vô tội. Chúng ta thắc mắc như vậy vì không hiểu  lòng Thiên Chúa. Cũng như một ông bố trong gia đình có đứa con hư không ai chịu nổi muốn tống cổ nó ra khỏi nhà, thế mà ông bố kia vẫn kiên nhẫn chịu đựng chỉ vì nó là con mình và mình đã sinh ra nó. Thiên Chúa cũng kiên nhẫn chờ đợi kẻ có tội chỉ vì Ngài là Cha nhân lành đã sinh ra nó, đã cứu chuộc nó bằng giá Máu cực trọng Con Ngài, có thế thôi.

Thiên Chúa đi tìm và kêu gọi kẻ có tội, Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi nó hối cải, hơn nữa Ngài còn vui mừng đón nhận nó khi trở về. Dụ ngôn người đàn bà tìm thấy đồng tiền mất, người chăn chiên tìm thấy con chiên lạc và ông bố gia đình đón nhận người con phung phá trở về, cả ba dụ ngôn đó chứng minh như vậy.

Người đàn bà tìm thấy đồng tiền mất, mời chị em bạn bè đến chia vui. Người chăn chiên tìm thấy con chiên lạc không hắt hủi đánh đập nó vì đã làm cho ông mất bao thì giờ, hao tốn sức lực và liều để 99 con khác ở một nơi. Trái lại,ông vui mừng sung sướng âu yếm vuốt ve nó, ôm nó lên ngực, vác nó trên vai đem về nhà mời chúng bạn đến chia vui với mình. Cũng thế, người bố trong gia đình, khi thấy đứa con phung phá trở về, ông không hề xua đuổi trách mắng vì nó bỏ nhà ra đi, phụ bạc tình cha, phung phí tài sản, ăn chơi truỵ lạc, bôi nhọ danh dự gia đình… không, ông không hề trách mắng, mà trái lại, khi nó ở đàng xa ông đã vội vã chạy ra ôm choàng lấy nó mà hôn thật lâu, ông cũng không cần nghe nó thú tội xin lỗi, ông truyền đầy tớ lấy áo đẹp mặc cho nó, lấy nhẫn đeo vào tay, lấy giầy xỏ vào chân nó. Hỏi rằng ở trần gian có ông bố nào đối xử với đứa con phụ bạc một cách lạ lùng như vậy? Ông bố trong dụ ngôn đón nhận đứa con phung phá chính là Cha trên trời nhận kẻ có tội quay trở về. Thật  âu yếm biết bao! Cảm động biết bao! Lạ lùng biết bao! Nếu Đức Giêsu không tỏ ra thì ai có thể tin được?

Sau đây, ta rút ra hai bài học thực hành:
* Trong đời ta dù có sa ngã phạm tội, dù tội ta nhiều và nặng đến đâu cũng cứ vững lòng trông cậy Chúa sẽ khoan hồng tha cho ta như người cha trong Phúc âm tha thứ cho người con phung phá trở về.

* Theo gương người con đó, ta phải thành khẩn và khiêm tốn nhìn nhận tình trạng khốn nạn của ta khi phạm tội lìa xa Chúa. Khi bỏ nhà ra đi, người con đó tưởng mình sẽ được tự do sung sướng, nhưng tự so không thấy, lại phải làm đầy tớ chăn lợn cho người, sung sướng không thấy lại phải đói khổ cùng cực muốn ăn cám lợn cũng chẳng ai cho. Khi phạm tội lìa bỏ Thiên Chúa chúng ta cũng mất địa vị và sự tự do của con cái Thiên Chúa rơi vào ách nô lệ của tà thần. Sung sướng không thấy lại phải nhiều sự khốn khó đời này và nhất là đời sau trong hoả ngục, vì tội là nguyên nhân sinh ra mọi sự dữ. Người con phung phá đã hối hận lên đường trở về. Theo gương người con đó, ta cũng quyết tâm từ bỏ tội lỗi ăn năn hối cải và nói như anh: “Tôi đi về cùng cha tôi”.
 
Sưu tầm

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn