1
22:20 +07 Thứ ba, 11/06/2024
1Chính anh em  là  Muối cho đời,  là Ánh sáng cho trần gian. (Mt 5, 13-14)

MENU

Giáo lý cho người trẻ

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 296

Máy chủ tìm kiếm : 5

Khách viếng thăm : 291


Hôm nayHôm nay : 89597

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 960961

Tổng cộngTổng cộng : 30137211

Nhạc Giáng sinh

Thông tin Online

Hãy kết bạn với


Trang nhất » Tin tức » SUY NIỆM CHÚA NHẬT

Về Tam Nhật Vượt Qua

Thứ tư - 27/03/2013 08:08-Đã xem: 1614
Để giúp bạn đọc chuẩn bị cử hành Tuần Thánh với tất cả tâm tình đức tin, WHĐ xin giới thiệu bài viết về Tam Nhật Vượt Qua. Bài này được biên soạn dựa vào tài liệu của Văn phòng về Phụng tự (the Secretariat for Divine Worship) thuộc Hội Đồng Giám mục Hoa kỳ về việc chuẩn bị này.
Về Tam Nhật Vượt Qua

Về Tam Nhật Vượt Qua

1. Thời gian khởi đầu và kết thúc Tam nhật Vượt Qua

Tam nhật Vượt qua bắt đầu từ lễ chiều thứ Năm Tuần thánh, vươn tới cao điểm trong đêm Vọng Phục Sinh, và kết thúc với Kinh Chiều chính ngày Chủ nhật Phục Sinh (x. Quy luật Tổng quát về phụng niên và lịch, 19)

2. Ngoài thánh lễ Tiệc Ly, có được cử hành một thánh lễ nào khác trong ngày Thứ Năm tuần thánh không?

Thông thường không được phép cử hành một thánh lễ nào khác vào ngày Thứ Năm tuần thánh. Tuy nhiên trong trường hợp đặc biệt, nơi nào lý do mục vụ đòi hỏi, thì Đấng Thường Quyền Sở tại có thể cho cử hành  một lễ thứ hai trong các nhà thờ, nhà nguyện công và bán công, vào ban chiều. Còn trong trường hợp thật sự cần thiết, có thể cho phép cử hành thánh lễ cả vào lúc ban sáng, nhưng chỉ dành cho các tín hữu không có cách nào tham dự Thánh Lễ Chiều được. Tuy nhiên đừng cử hành vì lợi ích riêng tư, kẻo làm thiệt hại cho việc cử hành thánh lễ chính ban chiều. (x. Sách lễ Rôma [SLR], ấn bản 1992, trang 254, số 1).

3. Thời điểm cử hành cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu

Thông thường, khoảng 3 giờ chiều, cử hành cuộc Thương Khó của Chúa, để dân chúng có thể quy tụ cách dễ dàng hơn; trừ khi lý do mục khuyên nên làm muộn hơn nhưng không được cử hành sau 9 giờ tối (x. SLR, tr.263, số 3).

4. Giáo hội có khuyến khích cử hành phụng vụ nào khác trong ngày Thứ Sáu Tuần thánh không?

Vào ngày này, tại các nhà thờ rất thích hợp để cử hành Giờ Kinh Sách và Kinh Sáng có giáo dân tham dự.

5. Vào ngày thứ Sáu tuần thánh, các việc đạo đức có tầm quan trọng riêng biệt nào không?

Sách Hướng dẫn về Lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ (Directory on Popular Piety and the Liturgy, 2002, các đoạn 142-145) đã cho chúng ta cái nhìn đúng đắn về các việc đạo đức bình dân. Thật rõ ràng, trọng tâm của ngày thứ Sáu thánh là cử hành phụng vụ Tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu Kitô. Nên bất cứ hình thức đạo đức nào khác đều không thể thay thế được cử hành phụng vụ trọng thể này. Cũng không được phối hợp các việc đạo đức khác với nghi thức thứ Sáu thánh, vì nó chỉ tạo ra một thứ lai tạp. Trong thời gian vừa qua, việc tổ chức các cuộc rước về Sự Thương Khó của Chúa Giêsu, Ngắm Đàng Thánh Giá, trình diễn các Hoạt cảnh Thương Khó trở nên phổ biến hơn. Trong những cuộc trình diễn như thế, các diễn viên và người xem đều có thể tham dự với tâm tình đức tin và lòng đạo đức chính đáng. Tuy nhiên, nên cẩn thận giúp các tín hữu hiểu rằng những Hoạt cảnh Thương Khó ấy chỉ là cách biểu lộ việc tưởng niệm và chúng rất khác với các “hành động phụng vụ” tức là việc tưởng niệm (như việc tưởng niệm sau khi Truyền Phép trong Thánh lễ), hoặc sự hiện diện mầu nhiệm của biến cố cứu độ trong cuộc Thương Khó Chúa Giêsu Kitô.

6. Việc kính thờ Thánh Giá trong ngày thứ Sáu thánh

Dứt lời nguyện cho mọi người, đến phần long trọng kính thờ thánh giá. Ở đây có hai hình thức suy tôn thánh giá, nên chọn hình thức nào thích hợp hơn với nhu cầu mục vụ.

HÌNH THỨC THỨ NHẤT: Phó tế hoặc thừa tác viên khác xứng hợp đi vào phòng thánh và mang thánh giá có phủ khăn che ra bàn thờ, hai người giúp lễ cầm nến cháy đi hai bên. Linh mục đứng trước bàn thờ quay mặt về phía dân chúng, nhận thánh giá, mở phần khăn che phía đầu thánh giá, rồi phần che cánh phải thánh giá và cuối cùng bỏ hết khăn che thánh giá. Mỗi lần mở khăn, ngài nâng thánh giá lên và hát câu kêu mời: “Đây là cây thánh giá”, phó tế và ca đoàn hát giúp linh mục. Mọi người đáp: “Ta hãy đến bái thờ”. Hát xong, mọi người quỳ gối thinh lặng cầu nguyện giây lát, linh mục vẫn đứng nâng cao thánh giá.

HÌNH THỨC THỨ HAI: Linh mục hoặc phó tế, hay thừa tác viên khác xứng hợp, cùng các người giúp lễ, đến cửa nhà thờ, nhận thánh giá không phủ khăn, các người giúp lễ thì nhận nến cháy, rồi đi kiệu qua lòng nhà thờ lên cung thánh. Đang khi di chuyển sẽ dừng lại tại ba nơi: ở gần cửa nhà thờ, ở giữa nhà thờ và ở lối vào cung thánh, người cầm thánh giá nâng cao lên và hát câu kêu mời: “Đây là cây thánh giá”, phó tế và ca đoàn hát giúp linh mục. Mọi người đáp: “Ta hãy đến bái thờ”. Hát xong, mọi người quỳ gối thinh lặng cầu nguyện giây lát, linh mục vẫn đứng nâng cao thánh giá. Sau đó đặt thánh giá và đèn nến ở lối vào cung thánh. Đoạn bắt đầu việc tôn thờ thánh giá. (x. SLR, trang 269-270, các số 14,15,16,17)

7. Cách thức các thành phần cộng đoàn phụng vụ kính thờ thánh giá ngày thứ Sáu thánh

Sau khi tôn dương thánh giá, linh mục hoặc phó tế cầm thánh giá đến trước lối lên cung thánh hoặc nơi xứng hợp khác. Linh mục chủ sự là người đầu tiên đến tôn thờ thánh giá. Nếu hoàn cảnh cho phép, ngài cởi áo lễ ngoài và giày. Rồi giáo sĩ, các thừa tác viên giáo dân và các tín hữu lần lượt tiến đến trước thánh giá. Việc cá nhân tôn thờ thánh giá là nét đặc trưng quan trọng trong cử hành hôm nay, nên phải làm sao cho mọi người được đến hôn kính thánh giá (nếu không đủ thời giờ, sẽ hôn kính cá nhân vào lúc thuận tiện sau khi kết thúc mọi nghi thức thứ Sáu thánh.Luật chữ đỏ dạy rằng “chỉ dùng một thánh giá duy nhất trong nghi thức Kính thờ. Nếu vì số dân chúng quá đông, mỗi người không thể lên hôn kính thánh giá được, thì sau khi các linh mục và một phần tín hữu đã tôn thờ, linh mục cầm thánh giá lên đứng trước bàn thờ, nói ít lời kêu mời dân chúng kính thờ thánh giá, rồi nâng cao thánh giá trong giây lát để mọi người thinh lặng tôn thờ.

8. Thời điểm cử hành Canh thức Phục Sinh

Do đặc tính, Canh thức Vượt Qua được cử hành về đêm, nên phải bắt đầu lúc chập tối và phải kết thúc trước rạng đông ngày Chúa Nhật. Cử hành Canh thức Vượt Qua thay cho giờ Kinh Sách. Theo truyền thống xa xưa, đêm nay các tín hữu canh thức chờ đợi Chúa phục sinh. Lửa được làm phép và nến phục sinh được thắp sáng  chiếu tỏa trong đêm để tất cả mọi người có thể nghe công bố Tin Mừng Phục sinh và lắng nghe lời Chúa được loan báo trong Sách Thánh. Vì vậy Nghi thức thắp nến phục sinh diễn ra trước Phụng vụ Lời Chúa.

9. Những lưu tâm cần phải có khi sử dụng Cây Nến Phục sinh trong Canh thức Vượt Qua

Nến phục sinh phải được làm bằng sáp ong, không bao giờ làm bằng các hợp chất nhân tạo, được thay thế mỗi năm, chỉ một cây mà thôi; và kích thước phải xứng hợp để có thể chuyển tải được chân lý Chúa Kitô lá ánh sáng của trần gian. Nến Phục sinh là biểu tượng ánh sáng Chúa Kitô, xua trừ mọi bóng tối trong tâm trí chúng ta. Trên tất cả, Nến Phục sinh phải là nến thực sự, phải là biểu tượng ưu việt của ánh sáng Chúa Kitô. Vì thế nên chọn một cây nến có kích cỡ, kiểu dáng và mầu sắc sao cho phù hợp với cung thánh, nơi đặt Nến Phục sinh.

10. Nên đọc bao nhiêu bài đọc trong Đêm Canh thức Vượt Qua?

Một trong những khía cạnh độc đáo của Canh thức Vượt Qua là thuật lại những kỳ công trong lịch sử cứu độ. Những kỳ công này được thuật lại trong 7 bài đọc được chọn từ sách Luật và Ngôn Sứ trong Cựu Ước, và hai bài đọc trích từ Tân Ước, được chọn từ thư các tông đồ và Tin Mừng. Như thế, “bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các tiên tri (Lc 24,27. 44-45)”, Chúa Giêsu một lần nữa gặp gỡ chúng ta trên đường chúng ta đi. Ngài mở tâm trí chúng ta, chuẩn bị cho chúng ta chia sẻ việc bẻ bánh và uống chén. Các tín hữu được khuyến khích suy niệm các Bài đọc này nhờ việc hát thánh vịnh đáp ca, nhờ thinh lặng và nhờ lời nguyện của chủ tế. Dựa trên các Bài đọc này, việc suy niệm trong đêm nay thật ý nghĩa đến độ thúc giục chúng ta một cách mãnh liệt phải sử dụng tất cả các bài đọc. Chỉ trong những hoàn cảnh mục vụ đòi buộc (trong trường hợp gấp rút) có thể bớt số bài đọc Cựu ước. Trong những trường hợp như thế, phải đọc ít nhất ba bài đọc Cựu ước, nhưng không bao giờ được bỏ bài trích sách Xuất Hành chương 14. (x. SLR, trang 289-294, các số 20 đến 36).

11. Trong Canh thức Vượt Qua, nên nhấn mạnh sự kiện các tân tòng được rước lễ lần đầu

Trước khi đọc “Đây Chiên Thiên Chúa”, chủ tế nên lưu ý các tân tòng về sự kiện lần đầu tiên họ được rước lễ, về tầm quan trọng của mầu nhiệm thật cao cả là chóp đỉnh của tiến trình gia nhập Kitô giáo, là trung tâm điểm của đời sống kitô hữu. Trong đêm Canh thức Vượt Qua này, mọi người có thể rước lễ dưới hai hình (Mình và Máu Thánh).

12. Những chỉ dẫn cho việc cử hành các thánh lễ ngày Chủ Nhật Phục Sinh

Các thánh lễ ngày Chủ Nhật Phục Sinh phải được cử hành hết sức trọng thể. Phải có đầy đủ các thừa tác viên phụng vụ và hát thật long trọng. Trong ngày này, thật thích hợp, thay vì nghi thức thống hối thường lệ đầu lễ, thì dùng hình thức rảy nước thánh đã được làm phép trong Đêm Canh thức Vượt Qua. Nên hát bài thánh ca Latinh Vidi aquam (Tôi đã thấy nước), hoặc một bài thánh ca khác có đặc tính nhắc nhớ đến Bí tích Thánh tẩy. Luôn đổ đầy nước thánh trong các bình đựng tại cửa ra vào nhà thờ. Vào chủ nhật Phục sinh, sau bài giảng, thay vì hát hoặc đọc Kinh Tin Kính, nên cho mọi người lặp lại lời tuyên hứa khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy. (x. SLR, trang 299, số 46)

13. Nến Phục sinh được đặt ở đâu trong Mùa Phục Sinh?

Nến phục sinh phải được đặt nơi xứng hợp hoặc bên cạnh giảng đài, hoặc bên cạnh bàn thờ và được thắp sáng ít nhất trong các cử hành phụng vụ trọng thể (Thánh lễ, Giờ Kinh Sáng hay Kinh Chiều) cho đến Lễ Hiện Xuống. Sau mùa Phục sinh, nến được lưu giữ cẩn trọng ở giếng Rửa tội, để khi cử hành Bí tích Thánh tẩy, các cây nến của các người được rửa tội sẽ được thắp sáng từ chính Nến Phục sinh. Khi cử hành thánh lễ An táng, nến Phục sinh được đặt cạnh quan tài để cho thấy sự hiện diện của Chúa Kitô, chiến thắng của Người trên tội lỗi và sự chết, và lời hứa được chia sẻ chiến thắng của Chúa Kitô vì là thành phần trong Thân Mình Người. Ngoài mùa Phục sinh, không đặt hoặc thắp nến phục sinh ở trên cung thánh.

Sưu tầm



SUY NIỆM TAM NHẬT THÁNH

Mỗi người Kitô hữu cũng như toàn dân Thiên Chúa cảm thấy có nhu cầu phải lần lượt ôn lại, trong kỳ lễ Vượt Qua hàng năm, những gì xảy ra trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu như các sách Tin Mừng thuật lại. Từ bữa tối Người ăn với các môn đệ trước khi đi chịu chết, cho đến lần Người hiện ra với cũng các môn đệ đó ngày Chúa Nhật kế tiếp, tất cả những gì Người đã làm, nhất là việc Người chịu chết và sống lại, đều đem lại ơn cứu độ, tất cả những gì Người đã nói đều là lời cứu độ.

 
Giáo Hội xưa nay vẫn đặc biệt lưu tâm đến việc cử hành ba ngày trọng đại nhất “ trong đó Chúa Giêsu đã chịu đau khổ, đã an nghỉ và đã phục sinh ” (thánh Amrôxiô). Tam nhật Vượt Qua bắt đầu bằng thánh lễ chiều thứ năm Tuần Thánh và kết thúc chiều ngày Phục Sinh, sau khi đã đạt tới những giờ phút sốt sắng nhất trong buổi canh thức Đêm Thánh, gồm tóm lại tất cả việc cử hành mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô.
 
Tam nhật Vượt Qua liên hệ đến đời sống thâm sâu nhất của mỗi cộng đoàn Kitô hữu, vì toàn thể dân Thiên Chúa cùng với Chúa Kitô thực hiện cuộc “ Vượt Qua ” đi về với Chúa Cha. Đêm Vượt Qua là đêm Thanh Tẩy long trọng nhất trong năm, và các Tín hữu cầu nguyện cách khẩn thiết hơn trong hai ngày mà các anh chị em dự tòng trực tiếp sửa soạn để được cùng chết và sống lại với Chúa Kitô. Cũng trong chiều hướng ấy, người có tội chuẩn bị bằng hai ngày ăn chay, tức là ngày thứ sáu, và nếu được, cả ngày thứ bảy nữa, để được làm hòa với Thiên Chúa và với anh chị em, nếu chưa lãnh Bí tích Hòa Giải trong những ngày cuối mùa Chay. Ngoài việc liên đới nói trên với các người dự tòng và những người sắp được ngồi lại vào bàn ăn của Chúa, tất cả các Kitô hữu cũng mừng lễ Phục Sinh khi họ lặp lại các lời đã cam kết khi chịu phép Rửa, và khi họ tham dự bàn tiệc Thánh Thể. Vì thế, ta có thể áp dụng cho cả tam nhật chỉ thị mà một trong những tài liệu cổ nhất về phụng vụ đã ra về Đêm Thánh: “ Toàn dân phải ở trong ánh sáng ” .
 
 

THỨ NĂM TUẦN THÁNH
Thánh Lễ Tiệc Ly
 
Mỗi năm, dân Do thái ăn lễ Vượt Qua để tưởng niệm việc họ đã được Thiên Chúa giải thoát khỏi cảnh áp bức, và giao ước với họ. Chúa Giêsu Kitô đã mở đầu cuộc Thương Khó khi cùng với các môn đệ dùng bữa tiệc Vượt Qua đó. Nhưng Người đã muốn cho bữa tiệc này trở thành bữa tiệc của giao ước mới, giao ước Người lập khi đổ máu hy sinh trên thập giá. Vì thế, khi trao cho các môn đệ tấm bánh và chén rượu, là đồ ăn thức uống đã trở thành Mình và Máu của Người, Người đã thiết lập nghi thức tưởng niệm lễ tế mà hôm sau Người sẽ dâng trên thập giá.
 
Mỗi lần cử hành thánh lễ, chúng ta cũng tái diễn bữa tiệc của Chúa để nhớ đến Người, để tưởng niệm Người đã chịu chết, mừng vui vì Người hiện diện, và trông mong Người trở lại. Nhưng chúng ta tưởng niệm cách sốt sắng hơn cả, trong thánh lễ thứ năm Tuần Thánh. Thánh lễ này cử hành vào buổi chiều, với đông đủ giáo dân tham dự sau một ngày làm việc, và với hết các Linh mục trong họ đồng tế để cho thấy rằng chức tư tế chỉ là một. Sau bài diễn giảng, vị chủ tế làm lại cử chỉ của Chúa Giêsu là rửa chân cho mười hai đại diện cộng đoàn tín hữu. Trong khung cảnh đặt biệt của buổi lễ, không bài giảng nào nói rõ hơn rằng chức Linh mục là để phục vụ, cho bằng việc chủ tế quỳ xuống trước mặt người anh em như thế.
 
Lễ xong, mỗi người có thể yên lặng chầu Thánh Thể để suy gẫm những lời tâm sự cuối cùng của Chúa Giêsu nói với các môn đệ trước khi vào vườn Giêsêmani, nhất là suy gẫm lời trối long trọng nhất: “ Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em ” .
 
 
 
TẤM BÁNH BẺ RA
 
"Vì chưng, chính tôi đã chịu lấy nơi Chúa điều tôi truyền lại cho anh em. Là: Chúa Giêsu trong đêm Ngài bị nộp, Ngài đã cầm lấy Bánh, và tạ ơn xong, Ngài đã bẻ ra và nói: Này là Mình Ta, vì các ngươi, hãy làm sự này mà nhớ đến Ta. Cũng vậy về Chén, sau khi đã dùng bữa tối xong, Ngài nói: Chén này là Giao ước mới trong Máu Ta, các ngươi hãy làm sự này mỗi khi uống, mà nhớ đến ta. Vì mỗi lần anh em ăn Bánh ấy và uống Chén ấy, anh em loan báo sự chết của Chúa, cho tới lúc Ngài đến. Cho nên kẻ ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, tất sẽ mắc tội đối với Mình và Máu Chúa".

Trong bữa ăn tối trước ngày từ giã cõi trần để về cùng Chúa Cha, Đức Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể (Cf. 1Cr 11,23b-25a) tự nguyện trở thành tấm bánh bẻ ra để làm lương thực nuôi sống nhân trần; và thiết lập chức linh mục thừa tác (Cf. 1 Cr 11,24b.25b), để tái diễn hy tế đẫm máu trên Núi Sọ, minh chứng tình yêu vô biên của Ngài đối với loài người, vì Ngài đã yêu thương con cái mình cho đến cùng (Cf. Ga 13,1).

Tấm bánh là chính thân mình Đức Giêsu đã phải trải qua nhiều giai đoạn: là hạt lúa miến tinh tuyền đã được gieo cấy trong trần gian, đã lớn lên trong ánh nắng mặt trời cũng như trong băng giá của làng Nazareth, đã vươn lên trên nhân loại tội lỗi tựa cây lúa xanh tươi vươn lên giữa đám cỏ lùng. Rồi đã bị gặt hái, bị nghiền nát, bị nướng trong lò, bị bẻ ra trong nhà Tiệc ly và trên Núi Sọ, và được trao cho mọi người.
 
Suốt cuộc đời của Chúa Giêsu Linh mục là một cuộc hiến tế không ngừng vì vinh quang của Chúa Cha và để mang ơn cứu độ cho loài người. Hy lễ đó bắt đầu từ giây phút nhập thể, từ tiếng "xin vâng" từ Trời của Ngôi Lời: "Này con đến, để thi hành ý muốn Người, lạy Thiên Chúa" (Dt 10,7), đạt cao điểm tại Bữa Tối Sau Hết và tột điểm là Núi Sọ.

Linh mục, hiện thân của Chúa Giêsu Linh mục giữa lòng đời, được mời gọi trở thành họa ảnh của Người một cách trung thực. Vì linh mục của mọi thời vẫn là và phải là linh mục sống với, sống trong và sống theo gương Chúa Giêsu Linh Mục Thượng Phẩm.

Trong mỗi giây phút, linh mục là người phục vụ bàn tiệc Lời Chúa và bàn tiệc Thánh Thể. Bàn tiệc ấy phải gồm những món ăn mà Chúa Cha muốn ban tặng cho con cái Ngài, là lương thực bổ dưỡng và giúp tăng trưởng trong ân sủng, trong tình yêu, chứ không phải những gì "hợp khẩu" với linh mục.

Như Chúa Giêsu Linh mục đã nêu gương trong suốt cuộc sống thế trần, đặc biệt trong bữa tiệc ly, linh mục được mời gọi trở nên tấm bánh bẻ ra cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào. Tấm bánh ấy phải có chất bổ dưỡng, chất sống, kín múc từ Lời Hằng Sống, từ cuộc sống kết hiệp thâm sâu với Chúa, từ những cố gắng thánh hóa trong công tác mục vụ và trong cuộc sống đời thường. Càng dám hy sinh thời giờ, tâm trí, sức lực của mình cho nhiệm thể Chúa Kitô, tấm bánh cuộc đời linh mục càng trở nên ngon miệng và bổ dưỡng cho thực khách cũng như lữ khách trên hành trình Đức Tin. Đời linh mục là một của lễ toàn thiêu dâng lên Cha, đồng thời trao ban chính bản thân mình cho tha nhân, như Cha Thánh Maximilien Kolbe đã dám hiến dâng chính mạng sống mình để cho người anh em được sống trong trại tù Auschwitz: "Tôi là linh mục Công Giáo, không vợ không con, tôi xin chết thay cho người này", như cha Olivier đã từng cảm nghiệm: "Linh mục là một con người bị người khác ăn", như Thánh Ignatio đã ao ước "Chớ gì răng thú dữ nghiền nát tôi để trở thành tấm bánh miến tinh tuyền dâng tiến Chúa".

Để có thể "yêu thương đến cùng" và ở lại với các môn đệ cho đến tận thế, Chúa Giêsu Linh mục đã thiết lập Bí tích Thánh Thể, Bí tích của sự hiện diện yêu thương. Linh mục cũng được mời gọi trở nên dấu chỉ của một sự hiện diện yêu thương đối với đoàn chiên của mình, nhất là đối với các con chiên lạc. Linh mục càng yêu thương một cách trong sáng và dám cho đi tất cả vì Chúa, thì sự hiện diện của Chúa Giêsu càng rõ nét. Như thế, những ai tiếp xúc với linh mục càng dễ gặp gỡ Chúa Giêsu sống trong linh mục, và linh mục trở nên nhịp cầu gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người, như lời tuyên thệ của người nông dân xứ Ars trong vụ án phong Thánh cho Cha Thánh Gioan Maria Vianey: "Tôi đã thấy Chúa Giêsu hiện diện trong Cha xứ của tôi"

Mọi Kitô hữu đều được tham dự vào chức vụ tư tế của Chúa Giêsu, khi sống trọn vẹn chức tư tế cộng đồng đã lãnh nhận cùng với bí tích Thánh Tẩy. Cuộc đời của người Kitô hữu cũng trở thành tấm bánh bẻ ra cho anh chị em, qua việc quan tâm chia sẻ của cải, tình yêu thương và những hoa trái thiêng liêng cho những người trong gia đình, nơi làm việc và những đối tượng phục vụ. Mỗi Kitô hữu sẽ là của lễ đẹp lòng Chúa Cha như Chúa Giêsu Linh mục, khi quảng đại hiến dâng ý riêng mình để "ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời".

Trong Năm Thánh 2000, mỗi ngày, nhất là khi cử hành Thánh lễ, các linh mục và mọi Kitô hữu được mời gọi yêu thương nhau, tha thứ cho nhau và trở thành hy lễ yêu thương, như hy lễ của Chúa Giêsu Linh mục được tái diễn hằng ngày trên bàn thờ, để cứu độ thế giới, và như hy lễ vẹn toàn của Mẹ Maria dưới chân Thập Giá.

Lạy Chúa Giêsu Linh mục, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con được thông phần vào chức vụ tư tế của Chúa. Xin giúp các linh mục và mỗi người trong chúng con biết noi gương Chúa, tự nguyện trở thành tấm bánh bẻ ra cho anh chị em chúng con được sống và sống dồi dào.
 
Thiên An
 
 
THỨ SÁU TUẦN THÁNH
Ngày Chúa chịu Thương Khó
 
Ngày thứ sáu Tuần Thánh, mọi Kitô hữu trên toàn cầu đều ăn chay: đây là ngày chay Vượt Qua kỷ niệm Chúa đã chịu thương khó, và Giáo Hội khuyên chúng ta tiếp tục giữ cho tới Đêm Thánh.
 
Vào buổi chiều hoặc tối hôm nay, có nghi lễ về cuộc Thương Khó của Chúa. Bắt đầu là Phụng Vụ Lời Chúa, với bài Thương Khó theo thánh Gioan. Sau bài diễn giải là những lời cầu nguyện đặc biệt long trọng cho toàn thể Giáo Hội và thế giới, cho hết mọi hạng người, vì ơn cứu độ do Đấng Cứu Thế đã đổ máu ra để thực hiện, cần phải đạt tới khắp nơi trên mặt đất. Sau đó Linh mục đưa Thánh Giá ra cho cộng đoàn tôn kính, rồi mọi người thông hiệp với Mình Thánh Chúa Kitô.
 
Trong buổi họp mừng này, điều nổi bật hơn cả không phải là các đau khổ nhục nhằn của cuộc Thương Khó, nhưng là vinh quang của Thánh Giá, vì mỗi lần Giáo Hội tưởng niệm Chúa đã chịu chết thì đồng thời cũng tuyên xưng Người đã phục sinh. Vì thế, các bài ca hôm nay đầy những lời tung hô Chúa Kitô chiến thắng: “ Lạy Thiên Chúa chí thánh! Lạy Thiên Chúa oai hùng! Lạy Thiên Chúa muôn đời hằng hữu! Xin thương xót chúng con! ” (Dân Ta hỡi). “ Lạy Chúa, chúng con tôn thờ Thánh Giá Chúa, hát mừng Ngài sống lại hiển vinh; ấy chính là bởi cây Thập Giá, niềm hân hoan tràn ngập địa cầu ” (Điệp ca).
 
 
CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA GIÊSU
Ga 18

“Bấy giờ Philatô trao Chúa Giêsu cho họ đóng đinh vào thập giá. Vậy họ điệu Chúa Giêsu đi. Chính Ngài vác lấy thập giá đi ra, đến nơi gọi là cái Sọ, tiếng Do Thái gọi là Golgotha, tại đó, họ đóng đinh Ngài vào thập giá”( Ga 19,16-18 ).

Đúng là mọi người đã mở cờ trong bụng vì họ đã đóng đinh được Chúa Giêsu vào thập giá. Philatô quả đã thiếu bản lãnh dù ông biết Chúa Giêsu vô tội. Ông có thể nói và phải nói Chúa vô tội nhưng vì hèn nhát, vì sợ mất ghế ngồi, ông đã ơ hờ, giả vờ rửa tay để che tội ác của mình.

Suy đi nghĩ lại, thập giá thực là sự ác độc của con người, tạo nên để đóng đinh Chúa. Nhưng nếu ngộ giả không có cây thập giá. Con người sẽ không được cứu độ. Con người chỉ có thể trả lời vắn gọn:không có thập giá, không có ơn cứu độ. Thánh Gioan trong bài tường thuật về cuộc thương khó của Chúa Giêsu đã làm nổi bật chân lý, làm nổi rõ mầu nhiệm cứu chuộc của Chúa. Một đàng dưới chân thập giá loài người cần được cứu chuộc, một đàng trên thập giá, Chúa Giêsu đang tuôn trào nguồn mạch tình yêu, nguồn ân sủng, ơn tha thứ và ơn cứu độ cho tất cả mọi người có lòng tin. Đọc lại cuộc xứ án Chúa Giêsu, chúng ta cảm nghiệm thấy sự vô lý và bất công của những người lên án Chúa Giêsu. Vâng, từ các vị lãnh đạo tôn giáo, các thượng tế, ký lục, lính tráng và dân chúng đều là những người có tội, đều là những người lên án Chúa Giêsu một cách hết sức bất công. Tất cả đều không dám ngước mắt nhìn Chúa trên thập giá. Ngay cả Phêrô, ngay cả các môn đệ. Tất cả đều có tội và tỏ ra bất xứng với bản án của Chúa Giêsu.

Gioan thấy gì trên thánh giá ? Một Chúa Giêsu bị treo lên thập giá để chuộc tội cho nhân loại. Người ta đi ngang qua và không ai dám đập dập ống chân Chúa Giêsu. Nhưng chỉ có một người lính lấy đòng đâm cạnh lương long của Chúa. Điều này trở nên có giá trị vì nước và máu chảy ra làm phát sinh các bí tích của Hội Thánh. Trong đền thờ, các tư tế đang giết chiên vượt qua để chia cho dân mang về nhà ăn. Điều ấy nói lên dân Chúa được giải thoát khỏi đất Ai Cập.

Chúa Giêsu quả thực không bị đánh gẫy một cái xương nào, nhưng từ cạnh sườn của Ngài ơn cứu độ tuôn chảy. Máu nói lên lễ hy sinh đền tội. Nước diễn tả sự sống mới, sự sống do Chúa Thánh Thần làm tái sinh mọi loại. Chúa Giêsu trên thập giá là nguồn ơn cứu độ cho những kẻ tin mà Maria và Gioan là biểu tượng. Nhìn lên thập giá, chúng ta phải đấm ngực ăn năn vì ta tội lỗi, chúng ta tin tưởng thực sự thập giá là ơn giải thoát cho chúng ta. Niềm tin mà mẹ Maria bầy tỏ sẽ giúp ta yêu mến thánh giá để ơn cứu độ tràn ngập nơi ta. Ơn cứu độ chứa chan nơi Chúa. Hôn kính thánh giá để ơn cứu độ của Chúa đi vào tâm hồn chúng ta hầu chúng ta được ơn cứu thoát.

Bản án bất công mà con người kết án tử hình cho Chúa trên thập giá mãi mãi là một vấn nạn lớn cho nhiều người, nhiều thế hệ vv…

Còn đối với chúng ta, thánh giá Chúa Kitô có ý nghĩa gì đối với ta ? tại sao ?

“Tôi muốn được biết Chúa Kitô…và nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong cái chết, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết”( PL 3, 10-11 ).
 
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi, CSsR
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn